Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.
Mẹ bệnh nhi chia sẻ trên VTV.vn: Tối trước ngày nhập viện, bệnh nhi đột ngột cười lệch miệng về phía bên phải, không sốt, không nôn ói; bệnh nhi mệt hơn, ăn uống kém hơn dù trước đó vẫn ăn uống, vui chơi bình thường. Gia đình rất lo lắng nên đưa đến viện khám ngay.
Qua thăm khám và các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải, cần phải nhập viện điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền – phục hồi chức năng kết hợp điều trị y học hiện đại.
Trải qua 15 ngày điều trị bằng các phương pháp xoa bóp, châm cứu và chiếu đèn hồng ngoại, tình trạng bệnh nhi đã cải thiện tốt và được ra viện.
Trao đổi với VnExpress, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa hùng Vương cho biết, dây thần kinh số 7 là dây thần kinh vận động, chi phối vận động cơ mặt. Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay yếu các cơ của nửa mặt, xảy ra khi dây thần kinh này bị chèn ép và gây sưng viêm.
75% trường hợp xảy ra khi cơ thể bị lạnh đột ngột. Lúc cơ thể suy yếu cộng với thói quen để máy lạnh, quạt thổi trực tiếp vào mặt, tắm đêm, ướt mưa, từ phòng máy lạnh ra trời nóng hoặc từ ngoài vào phòng máy lạnh đột ngột, tình trạng này có thể xảy ra. Trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 chủ yếu do lạnh.
Để phòng bệnh, mọi người nên giữ ấm đầu, mặt, cổ cho trẻ. Khi trời rét, tránh mở cửa đột ngột để gió lạnh tạt vào mặt trẻ. Buổi tối, không để trẻ ngồi gần cửa sổ, tránh gió lùa.
Nên tắm cho trẻ vào một trong hai khung giờ 9h30-10h30, hoặc 13-16h. Thời gian tắm gội chỉ khoảng 5-10 phút với trẻ lớn và không quá 2-3 phút với trẻ nhỏ.
Hạn chế cho trẻ nhỏ ra ngoài buổi tối, nếu ra ngoài cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn. Trẻ đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe, bảo vệ đầu và gáy, mặc đủ ấm và tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột như từ nóng chuyển sang lạnh.
PN (SHTT)