Đắng cay chuyện sa thải tại Google: ‘Hãy sống cuộc đời của mình, đừng sống chỉ vì công việc’

Các doanh nghiệp luôn coi nhân lực là tài sản quý giá nhất của công ty, nhưng lúc khó khăn thì chính nhân viên lại là đối tượng đầu tiên bị cắt giảm để tiết kiệm chi phí.

Đắng cay chuyện sa thải tại Google: 'Hãy sống cuộc đời của mình, đừng sống chỉ vì công việc'

“Vô nhân đạo”, “Cú tát vào mặt”, “Phản bội”… là hàng loạt những từ ngữ được các lao động ngành công nghệ sử dụng để miêu tả cuộc đại sa thải của các ông lớn Thung lũng Silicon (Big tech) trong năm qua.

“Tôi sốc, tổn thương và thật sự vẫn chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra. Thật khó khăn khi bạn bị phản bội nhưng lại chẳng có một đối tượng cá nhân nào để bạn bày tỏ sự tức giận… Bạn có thể làm việc cho công ty tốt nhất thế giới, nhưng cuối cùng thì vẫn sẽ bị đuổi. Tất cả chỉ là vấn đề lợi nhuận”, cô Katie Olaskiewicz, một cựu nhân viên của Google bày tỏ sau khi hãng này đuổi việc 12.000 lao động vào năm ngoái.

Trong vòng 2 tuần đầu năm 2023, khoảng 40.000 lao động đã bị các Big Tech như Amazon, Microsoft và Google sa thải, tạo nên một cơn địa chấn trên thị trường. Thế rồi đầu năm 2024, tình hình lại lặp lại khi vô số doanh nghiệp công nghệ tuyên bố cắt giảm nhân sự.

Thậm chí tờ LiveMint cho hay tập đoàn Google đang chuẩn bị sa thải 30.000 lao động trong năm 2024.

Hậu quả là hàng nghìn những cựu nhân viên của các công ty bày tỏ sự thất vọng của mình trên LinkedIn hay những mạng xã hội khác.

Đắng cay chuyện sa thải tại Google: 'Hãy sống cuộc đời của mình, đừng sống chỉ vì công việc' - 1

Theo tờ Business Insider (BI), chuyện này là dễ hiểu khi các hãng công nghệ trong nhiều năm đã xây dựng một văn hóa coi doanh nghiệp như gia đình, coi công ty là nhà với môi trường làm việc thoải mái tối đa.

Bởi vậy khi bị đuổi với số lượng lớn, nhiều người mới ngã ngửa ra rằng làm thuê thì phải biết thân biết phận chứ chẳng có “công ty là nhà” gì ở đây cả.

Một minh chứng rõ ràng nhất là ngành tài chính cũng đuổi việc rất nhiều trong thời gian qua. Hơn 15.000 lao động từ các tập đoàn lớn như Goldman Sachs, BlackRock, Citi, Morgan Stanley đã bị đuổi việc một cách phũ phàng không thương tiếc đầu năm 2023.

Thế nhưng khác với mảng công nghệ, lao động ngành tài chính rất hiểu tính khắc nghiệt của nghề này.

Hầu như tất cả nhân viên tài chính đều nắm rõ 2 yếu tố bất di bất dịch trên thị trường ngành này, đó là mọi thứ đều dựa trên kết quả kinh doanh hoặc lợi nhuận, và thị trường việc làm sẽ có lúc lên lúc xuống theo chu kỳ. Chắc chắn sẽ chẳng có một nhân viên tài chính Phố Wall nào mơ tưởng đến chuyện coi doanh nghiệp như gia đình, sẽ gắn bó cả đời như văn hóa Nhật Bản cả.

Diễn tròn vai

Theo BI, các tập đoàn công nghệ đã có một cú lừa thế kỷ khi diễn tròn vai là một gia đình đáng tin cậy với nhiều lao động. Cảm giác an toàn là thứ khiến cho vô số người muốn làm việc tại các Big Tech trong suốt nhiều năm, bên cạnh những vấn đề như lương thưởng và chế độ đãi ngộ.

Tại Google, công ty thậm chí đã gọi các nhân viên là Googlers, qua đó khẳng định mọi người không chỉ là lao động làm công mà còn là một phần của tổ chức này.

Trong những ngày đầu, Google nổi tiếng với những khuôn viên làm việc gây choáng ngợp với người ngoài, tạo sự thoải mái cho nhân viên, khuyến khích mọi người làm qua đêm với những tiện ích đầy đủ nhất.

Câu chuyện cống hiến hết mình cho công ty trở thành một khẩu hiệu mà cả Google lẫn các nhân viên đều ưa thích.

Tương tự, những ngày đỉnh cao của Facebook cũng gắn liền với các lớp thể dục, bữa sáng miễn phí, cà phê tối ngày ngay tại khuôn viên trụ sở công ty. Tập đoàn này được bình chọn là nơi tốt nhất để làm việc năm 2018, một phần là vị họ khuyến khích nhân viên đem lối sống cá nhân vào công việc. Chính sự cân bằng được giữa công việc làm tối ngày với sinh hoạt bản thân này đã khiến nhân viên Facebook hạnh phúc cống hiến hết mình cho công ty.

Thế rồi cái gì đến cũng phải đến, Facebook bắt đầu gặp hết bê bối này đến khó khăn khác, và các nhà quản lý chẳng thể mềm mỏng với nhân viên như trước đây được nữa.

Đắng cay chuyện sa thải tại Google: 'Hãy sống cuộc đời của mình, đừng sống chỉ vì công việc' - 2

“Áp lực công việc đè nặng nhưng chúng tôi lại phải tỏ ra mọi chuyện đều ổn”, một nhân viên nữ phát biểu trong cuộc họp toàn thể Google năm 2019 nói.

Giờ đây khi hàng trăm startup đóng cửa sau nhiều năm đốt tiền, nhà đầu tư thì đòi hỏi sự an toàn, hiệu quả và cắt giảm chi phí, những Big Tech bắt đầu gỡ bỏ vai diễn họ đã đóng nhiều năm để đối mặt sự thật.

Nhà sáng lập Marc Benioff của Salesforce từng nhấn mạnh văn hóa “Ohana”, nghĩa là các giá trị coi công ty như gia đình.

Thế nhưng điều này trở thành thứ gì đó lạc lõng khi ông quyết định sa thải 10% lao động đầu tháng 1/2023, mặc dù vẫn khẳng định rằng: “Những nhân viên bị sa thải không chỉ là đồng nghiệp, họ còn là bạn bè, gia đình của chúng ta”.

Tại Meta (Facebook), CEO Mark Zuckerberg thừa nhận mình đã đầu tư sai, chủ yếu là vị mảng vũ trụ ảo, để rồi vào tháng 11/2022, tập đoàn này cắt giảm 11.000 lao động, tương đương 13% nhân viên theo một cách phũ phàng.

Tất nhiên, dù đuổi việc nhưng Mark vẫn cảm ơn đóng góp của những người ra đi theo cách “gia đình” nhất.

Tương tự, khi Google đuổi việc 12.000 lao động, kể cả những trường hợp mới đẻ xong đang chăm con hay người đã đóng góp 20 năm cho tập đoàn, nhiều nhân viên đã sốc vì chỉ biết tin khi không dùng thẻ ra vào công ty được.

“Điều này cho thấy rõ là công ty không phải là nhà và các tập đoàn lớn như Google sẽ chỉ coi bạn như lao động có thể thay thế được 100% mà thôi. Hãy sống cuộc đời của mình, đừng sống chỉ vì công việc”, một nhân viên bị sa thải của Google nói.

Lợi dụng lòng tin

Theo BI, văn hóa coi doanh nghiệp như gia đình không thực tế nhưng lại rất hay được các công ty sử dụng, và trớ trêu là rất nhiều lao động tin vào đó. Việc nhầm lẫn giữa công việc và cuộc sống riêng tư, giữa hợp đồng lao động và sự tin tưởng luôn đi kèm với cái giá phải trả.

Trong cuốn sách “Out of Office” xuất bản năm 2021 của nhà báo Charlie Warzel và Anne Helen Petersen có nhấn mạnh rằng ai cũng chỉ có một gia đình duy nhất mà thôi và hãy lựa chọn thông minh lên.

“Khi công ty dùng văn hóa gia đình để đàm phán với bạn từ họ đang đánh tráo khái niệm giữa hợp đồng lao động với sự tin tưởng”, cuốn sách chỉ ra.

Với tư tưởng hy sinh vì gia đình, nhập nhằng giữa công việc và tình cảm mà các công ty có thể khiến nhân viên hạn chế nghỉ phép, chấp nhận làm thêm mà không tính thêm tiền, không đòi nâng lương quá nhiều cũng như giảm số lời than vãn về môi trường lao động.

Đắng cay chuyện sa thải tại Google: 'Hãy sống cuộc đời của mình, đừng sống chỉ vì công việc' - 3

Cái cảm giác thân thiện nhưng đầy tính thao túng của văn hóa này biến những giao dịch bình đẳng trở nên nhập nhằng. Câu chuyện lợi ích bị biến tấu thành văn hóa đạo đức. Chắc ai cũng hiểu cảm giác không dám về sớm khi đồng nghiệp còn ở lại, hay chẳng dám xin nghỉ phép khi công ty đang phải tăng ca.

“Các nhà quản lý thường dùng những từ ngữ như ‘Chúng ta là một phần của gia đình’ để thao túng người lao động. Sự thật là chúng ta là gia đình nhưng tôi sẽ bắt bạn làm việc như trâu chó với mức lương không xứng đáng, và khi cần thì bạn có thể bị đuổi bất cứ lúc nào”, giáo sư Eden King của trường đại học Rice University nhận định về văn hóa coi công ty như gia đình, cho rằng các giám đốc thường dùng tiểu xảo để đánh lừa người lao động.

“Lý tưởng cao đẹp của công ty, đi kèm với sự đóng góp của bạn, rồi những thành công đạt được, việc được làm cùng với những người cùng chí hướng cũng như cảm giác như một gia đình thúc đẩy mọi người làm việc hăng say. Thế nhưng khi bị đuổi việc thì bạn mới nhận ra cái gì là quan trọng nhất”, Cô Sylvia Bonilla Zizumbo, một cựu nhân viên 17 năm làm việc cho Google nhưng bỏ làm cách đây 3 năm để khởi nghiệp cho hay.

Với những người làm tài chính ở Phố Wall, câu chuyện bị đuổi việc chẳng có gì to tát khi mọi thứ đều dựa trên kết quả và lợi nhuận. Hàng ngày, các nhân viên sẽ phải chạy theo chỉ tiêu và được đánh giá liên tục, những người kém sẽ bị cắt thưởng hoặc đuổi việc là chuyện bình thường.

Tờ BI cho biết có rất nhiều trường hợp lao động Phố Wall bị dựng dậy để đi họp lúc 7h30 sáng chỉ để nhận thông báo rằng mình bị đuổi. Nhiều nhân viên ngân hàng kỳ cựu bị đuổi gấp đến mức chỉ có đúng 30 phút để dọn bàn trước khi được bảo vệ “hộ tống” ra khỏi cửa.

Rõ ràng, thực tế khắc nghiệt hơn rất nhiều cho người lao động khi nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, và những mơ tưởng về một doanh nghiệp như gia đình sẽ nhanh chóng đổ vỡ để nhường lại cho những tờ USD lợi nhuận lạnh lẽo.

Theo Băng Băng (Đời sống & Pháp luật)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *