Trong mâm cỗ cúng Giao thừa năm Giáp Thìn 2024 dù chuẩn bị đầy đủ đến đâu mà thiếu thứ này thì nghi lễ linh thiêng khó trọn vẹn.
Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới vô cùng linh thiêng. Vì thế lễ cúng Giao thừa (còn gọi là lễ Trừ tịch) không thể thiếu với mỗi gia đình người Việt.
Phong tục tập quán truyền thống gồm 2 lễ cúng Giao thừa đầy đủ là: Cúng Giao thừa trong nhà và cúng Giao thừa ngoài trời. Lễ vật, mâm cỗ cúng của 2 lễ này không giống nhau. Tuy nhiên, Giao thừa năm Giáp Thìn 2024 – năm con Rồng, ở cả 2 nghi lễ này đều không thể thiếu chiếc đèn dầu. Vì sao lại như vậy?
Dưới góc nhìn tâm linh và phong thủy, ngọn lửa từ chiếc đèn dầu mang ý nghĩa vô cùng linh thiêng trong năm con Rồng, vừa thuận với ngũ hành lưu niên (Phúc Đăng Hỏa – Lửa đèn dầu), vừa là vật phẩm kết nối tâm linh với tổ tiên, thần linh. Đồ vật này tuy nhỏ bé nhưng lại chứa đựng sức mạnh tâm linh và phong thủy rất lớn, gia chủ thành tâm cầu cúng năm mới dễ cầu được ước thấy, thậm chí “hóa rồng hóa phượng”, vạn sự hanh thông.
Lý giải chi tiết về chiếc đèn dầu – lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng Giao thừa 2024 như sau.
1. Giáp Thìn 2024 là năm “con Rồng lửa”
Rồng vốn được coi là biểu tượng âm dương linh thiêng, quyền lực và tôn quý trong văn hóa Á Đông, thể hiện nguồn năng lượng tích cực, thịnh vượng.
Xét về ngũ hành nạp âm, năm Giáp Thìn 2024 mang mệnh Phúc Đăng Hỏa, tức là lửa đèn dầu.
Ngọn lửa này tuy nhỏ bé nhưng lại có thể mang ánh sáng tới tận cùng những nơi mà ánh Mặt Trời không thể chiếu rọi. Đồng thời, nó cũng giúp xua đuổi tà khí, đem tới điều cát lành, thịnh vượng cho con người.
2. Đèn dầu – Lễ vật cúng Giao thừa 2024 mang ý nghĩa linh thiêng tối thượng
Đèn dầu có lẽ là đồ vật quen thuộc trên ban thờ mỗi gia đình, tuy nhiên, nó còn là lễ vật mang ý nghĩa linh thiêng tối thượng mà không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa về tâm linh, phong thủy hay biết cách sử dụng đúng, nhất là trong các nghi lễ quan trọng như lễ cúng Giao thừa trong nhà và ngoài trời dịp năm mới.
2.1 Sự kết nối tâm linh
Xét về tâm linh, ngọn lửa là biểu trưng cho sự kết nối tâm linh giữa thế giới Âm và Dương, giữa cái vô hình và hữu hình. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong các nghi lễ, nghi thức dâng hương của người Việt. Nén hương với ngọn lửa đỏ hồng như là một sợi dây vô hình kết nối con cháu với ông bà tiên tổ và thần linh. Và đèn dầu cũng vậy.
Theo đó, trên mâm cỗ cúng Giao thừa cả trong nhà và ngoài trời năm Giáp Thìn này, chiếc đèn dầu là nơi châm lửa để thắp nhang nguyện cầu, kết nối giữa con cháu và tổ tiên, giữa gia chủ và thần linh.
2.2 Đại diện ngũ hành Hỏa – Yếu tố không thể thiếu trong Ngũ hành
Ngọn lửa đèn dầu còn đại diện cho hành Hỏa, một trong 5 yếu tố quan trọng trong ngũ hành âm dương Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Cả 5 yếu tố này đều tác động trực tiếp tới vận mệnh con người nên không thể thiếu trong không gian thờ cúng linh thiêng.
Xưa nay người Việt rất chú trọng cách sắp xếp, bài trí bàn thờ (không gian thờ cúng nói chung) đảm bảo đủ cả 5 yếu tố ngũ hành. Bởi chỉ cần khuyết 1 yếu tố là mọi thứ dễ trở nên mất cân bằng, khó đem lại sự thịnh vượng, thậm chí có thể gây ra điều xui rủi.
2.3 Pháp khí linh thiêng trong không gian thờ cúng
Xét về mặt tâm linh, ngọn lửa đèn dầu còn như một vật phẩm bảo vệ không gian thờ cúng, tạo ra hơi ấm, xua đi cái lạnh lẽo của âm khí, tránh cho tà khí, uế khí xâm nhập, để vong linh người đã khuất không bị quấy rầy.
Tục xưa truyền rằng, ma quỷ và thú dữ rất sợ lửa, vì vậy mỗi khi vào trong rừng sâu, người ta sẽ mang theo đuốc lửa thật lớn, vừa để soi sáng đường đi, vừa ngăn cản không cho ma quỷ lại gần phá nhiễu. Đèn dầu trong không gian thờ cúng cũng như thế, tượng trưng như một pháp khí bảo vệ thành viên trong gia đình khỏi sự quấy nhiễu của tà ma, quỷ dữ, giúp gia chủ được phù hộ độ trì luôn được bình an, may mắn nhiều về tài, phúc.
Điều này đặc biệt hơn với mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời năm con rồng. Bởi rồng vốn là biểu tượng của sự linh thiêng, quyền lực và thịnh vượng. Được ngọn lửa thắp sáng đưa đường, chẳng khác nào rồng quý phun lửa thể hiện quyền uy tối trọng.
Đồng thời, nghi lễ cúng Giao thừa ngoài trời nhằm mục đích tiễn biệt quan Hành khiển cũ, chào đón quan Hành khiển mới. Ngọn lửa từ chiếc đèn dầu, từ hình tượng rồng phun lửa lại càng dễ được vị thần cai quản lưu niên này hoan hỉ mà ban phước lành, năm mới gia chủ và toàn thể gia đình bình an vô sự, cuộc sống ngày càng tấn tới, thịnh vượng.
3. Một vài lưu ý quan trọng
3.1 Không có đèn dầu thì dùng nến cúng Giao thừa 2024 có được không?
Ở một số nơi, trong các nghi lễ thờ cúng, người ta không còn sử dụng đèn dầu mà thay thế bằng nến. Xét về mặt tâm linh và phong thủy, nến cũng mang tới ngọn lửa thật, là đại diện của yếu tố Hỏa, là sự kết nối linh thiêng, nên hoàn toàn có thể dùng được.
3.2 Sử dụng đèn điện trong lễ cúng Giao thừa năm 2024 có được không?
Ngày nay, vì tính tiện lợi, nhiều gia đình đã sử dụng đèn điện, đèn pin để thay thế cho chiếc đèn dầu thời xưa.
Loại đèn này chỉ chỉ mang lại ánh sáng cho không gian thờ tự chứ không thể thay cho yếu tố Hỏa. Do đó, nó có thể khiến các yếu tố ngũ hành thiếu sự cân bằng, hài hòa, dẫn tới những điều xui xẻo.
Do đó, không nên sử dụng đèn điện để đặt trên mâm cỗ cúng Giao thừa trong nhà và cúng Giao thừa ngoài trời năm 2024, nó không đảm bảo tính linh thiêng tối thượng. Nếu gia đình nào không có đèn dầu thì có thể sử dụng nến thay thế.
3.3 Nên sử dụng loại đèn dầu làm từ chất liệu gì?
Dù là trong lễ cúng Giao thừa năm Giáp Thìn hay các nghi lễ thờ cúng gia tiên, thần linh hàng ngày, các gia đình vẫn nên sử dụng đèn dầu hoặc nến là tốt hơn cả.
Hiện nay có nhiều loại đèn dầu thờ được làm từ các chất liệu khác nhau như gốm, thủy tinh, nhôm… Tuy nhiên, dưới góc độ phong thủy, quý gia chủ nên chọn loại đèn làm từ gốm sứ.
Gốm sứ được làm từ đất, mang yếu tố Thổ – hội tụ sinh khí đất trời, thiên nhiên – kết hợp với Hỏa (lửa) ở cục diện tương sinh ngũ hành, sẽ mang đến cho gia đình điều cát lành, thịnh vượng, sinh sôi nảy nở.
NT (SHTT)