Con dâu bật khóc nức nở khi chứng kiến cảnh tượng này.
Tôi và anh đều là bạn từ thời sinh viên đại học năm nhất, quen biết nhau khi đi sinh hoạt câu lạc bộ chung. Tôi là con gái thành phố, còn anh xuất thân trong gia đình thuần nông ở quê, lên thành phố học đại học, sau đó gặp và trở thành người yêu của tôi.
Sau một năm tốt nghiệp ra trường, gia đình muốn tôi mau chóng kết hôn với một người môn đăng hộ đối rồi sinh con. Tôi cãi lời bố mẹ và nói dối rằng chỉ muốn tập trung phát triển sự nghiệp, chưa muốn kết hôn lúc này.
Cứ như vậy suốt một năm trời, sau này bố mẹ cứ giục tôi về đi xem mặt, lúc đó tôi mới nói sự thật với bố mẹ, tuy nhiên bố mẹ không đồng ý cho tôi lấy chồng quê. Tôi thì chỉ muốn lấy anh nên đã cãi lời bố mẹ: “Con muốn tự mình đưa ra quyết định về cuộc đời của mình. Con không muốn kết hôn với người mà con không yêu chỉ vì họ ở thành phố!”.
Tôi ra sức thuyết phục bố mẹ cho kết hôn với anh. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được với nhau. Ngày cưới, bố mẹ cho tôi của hồi môn trị giá 80.000 tệ (khoảng 273 triệu đồng), mong tôi có thể sống hạnh phúc, không phải lo nhiều về kinh tế. Nhà chồng tôi thì không quá giàu có, chỉ cho một ít vàng làm của. Nhưng tôi vẫn thấy hạnh phúc vì chồng là người có chí cầu tiến, biết nỗ lực, tiêu xài tiết kiệm để mua nhà, không để vợ con thiệt thòi.
Sau khi kết hôn, để tiết kiệm, hai vợ chồng ít khi về nhà nội ăn Tết mà ở lại thành phố là chính. Sau vài năm chăm chỉ chúng tôi cũng tích lũy được 200.000 tệ (khoảng 682 triệu đồng) nên dịp Tết này muốn về quê nội sớm để xây lại nhà cho ba mẹ chồng.
Về đến nhà, mẹ chồng đón tiếp cả nhà tôi rất nồng nhiệt. Bà chiêu đãi chúng tôi một bàn đồ ăn ngon, không cho tôi đụng tay vào bếp núc dù chỉ một chút. Bà nói rằng tôi đã làm việc vất vả ở thành phố nhiều rồi, dịp về quê này muốn tôi nghỉ ngơi nhiều hơn nên tôi chỉ cần về chơi là mẹ cũng cảm thấy vui. Tôi thực sự rất hạnh phúc và thoải mái.
Ăn tối xong, tôi trò chuyện với mẹ rất lâu vì hiếm khi có được dịp như thế. Trước khi đi ngủ, mẹ cũng đã chuẩn bị sẵn chăn bông mới, gối mới cho hai vợ chồng tôi. Tôi vô cùng cảm động vì mẹ thương tôi chẳng khác gì mẹ đẻ cả.
Do lạ chỗ, nên đến nửa đêm tôi chợt thức giấc. Nằm thao thức mãi tới hơn ba giờ sáng, thì phát hiện đèn dưới lầu vẫn chưa tắt. Nghĩ rằng chắc mẹ quên nên tôi nhẹ nhàng bước xuống lầu tắt điện.
Lúc này, tôi giật mình khi nhìn thấy mẹ chồng chưa ngủ mà vẫn còn thức, trên tay bà là que đan len. Thì ra là, bà thức dậy sớm để đan áo. Tôi hỏi thì mẹ chỉ nói: “Mẹ già rồi hay khó ngủ nên tranh thủ đan ít khăn len với áo len bán thêm. Được đồng nào hay đồng đó, phụ giúp tiền đi chợ để hai vợ chồng con không phải lo nhiều cho ba mẹ. Như vậy các con sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, rảnh rỗi thì ở nhà lâu thêm vài ngày”.
Nghe mẹ chồng nói, tự dưng tôi bật khóc. Thì ra, bấy lâu nay ít có dịp về quê thăm nhà nội nên không hề biết mẹ chồng lo lắng cho hai con, sợ hai vợ chồng tôi làm nhiều vất vả. Bà dù đã lớn tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, không muốn mình lại trở thành gánh nặng tuổi già cho con dâu và con trai.
Đến lúc này tôi mới nhận ra trước giờ mình vô tâm quá, những món quà hay tiền tôi gửi về biếu bà mỗi dịp Tết chắc cũng không làm bà vui bằng việc cả gia đình tôi về thăm bà. Sau dịp Tết này, tôi tự hứa với lòng sẽ về quê thăm ba mẹ chồng nhiều hơn để tuổi già của hai ông bà bớt bận lòng và cô quạnh.
Theo Tiểu Lam (Nguoiduatin.vn)