Trước lời đồn đoán năm 2024 là năm góa phụ, nhiều người Trung Quốc không dám kết hôn.
Theo South China Morning Post, Bộ Dân chính Trung Quốc cho biết cơ quan này đang theo dõi tình hình sau khi một người dùng internet cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng xuất phát từ quan niệm dân gian cho rằng năm Giáp Thìn 2024 là “năm góa phụ”.
Trước đó, vào tháng 1, trong mục tư vấn người dân trên website Bộ Dân chính Trung Quốc, một công dân giấu tên nêu ra vấn đề: Quan niệm “năm góa phụ” đi chệch hướng một cách nghiêm trọng so với lẽ thường trong cuộc sống và nhận thức khoa học. Bài đăng kêu gọi Bộ Dân chính Trung Quốc lên tiếng để “người dân không bị quấy nhiễu bởi vấn đề mê tín và tin đồn dân gian, miễn là họ muốn kết hôn”.
Cái tên Năm Góa Phụ, hay gua fu nian trong tiếng Trung, xuất phát từ thông tin sai lệch xung quanh tên ban đầu – Gua nian. Gua nian có nghĩa là “năm không có lễ khai xuân” – người Trung Quốc cổ xưa xem đây là dấu hiệu của một năm may mắn. Tuy nhiên theo thời gian, ý nghĩa ban đầu này lại mất đi, thay vào đó người ta tin vào sự giải nghĩa khác. Cụ thể, trong tiếng Trung yang có nghĩa là dương – năng lượng nam tính. Vì vậy, thiếu mùa xuân có nghĩa là thiếu năng lượng nam tính và người ta cho rằng đây sẽ là năm Góa Phụ.
Lịch Trung Quốc có dạng âm dương, nghĩa là kết hợp các tháng âm lịch dựa trên chu kỳ của Mặt Trăng. Lập xuân là một trong 24 tiết khí theo nông lịch Á Đông và rơi vào khoảng ngày 4-5/2 (dương lịch) hằng năm, được cho là đánh dấu sự khởi đầu của mùa xuân. Tiết Lập xuân mới nhất diễn ra trước mùng 1 Tết Giáp Thìn (nhằm ngày 10/2/2024 dương lịch), trong khi tiết Lập xuân tiếp theo diễn ra sau mùng 1 Tết Ất Tị (nhằm ngày 29/1/2025 dương lịch). Vì vậy, dân gian Trung Quốc cho rằng năm Giáp Thìn sắp tới là năm không có mùa xuân.
Trong nỗ lực tuyên truyền và trấn an công chúng, Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV cho biết trong một bản tin tuần trước rằng không có mối liên hệ nào giữa vận xui với “năm không xuân”.
CCTV cho biết năm âm lịch không có tiết Lập xuân không phải là một hiện tượng hiếm gặp, đồng thời chỉ ra năm 2019 và 2021 cũng là những “năm không xuân”.
Nhìn chung, quan niệm truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc kết hôn và sinh con ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính quyền đã kêu gọi loại bỏ những tập tục có ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm cả việc nhà trai phải chuẩn bị sính lễ hậu hĩnh cho nhà gái.
Hơn nữa, trong khi người mê tín cho rằng mọi người nên kết hôn vào năm Xuân Kép và tránh kết hôn vào năm Góa Phụ thì những số liệu thống kê lại cho thấy điều ngược lại.
Năm 2013 (Quý Tỵ) cũng là năm Góa Phụ nhưng số lượng đám cưới lại cao nhất kể từ khi có số liệu thống kê vào năm 1978.
Bên cạnh đó, thực tế là cứ 19 năm lại có 7 năm như vậy, việc tránh đám cưới vào những năm này trở nên không cần thiết. Đối với nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc, họ quan tâm đến việc sinh con vào năm đẹp hơn là kết hôn vào năm nào. Theo dân gian, những đứa trẻ sinh vào năm rồng thường sẽ gặp may mắn hơn.
Con rồng thường gắn liền với những quan niệm tích cực, vì rồng – con vật thần thoại duy nhất trong cung hoàng đạo Trung Quốc – đại diện cho quyền lực và sự vĩ đại trong văn hóa truyền thống của nước này. Quan niệm này có khả năng thúc đẩy số ca sinh ở Trunng Quốc, vốn đạt mức thấp kỷ lục 9,02 triệu ca vào năm 2023.
Theo Nguyễn Phượng (Đời sống & Pháp luật)