Uống quá nhiều rượu bia không chỉ ảnh hưởng tới gan mà còn ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Rượu bia ảnh hưởng tới sức khoẻ
PGS.TS. BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, cho biết rượu bia là điều khó tránh khỏi trong những ngày Tết. Do vậy, để hạn chế các tác hại của rượu đối với gan thì mọi người nên uống ít nhất có thể.
Theo đó, lượng rượu dung nạp vào cơ thể mà gan có thể đào thải được với nữ chỉ là 1 đơn vị cồn/ngày và với nam là 2 đơn vị cồn/ngày. 1 đơn vị cồn tương đương một lon bia 355ml, 1 ly rượu vang 148ml, 1 ly rượu mạnh (40% cồn) 44ml.
Uống nhiều rượu được định nghĩa là nhiều hơn 3 đơn vị cồn trong ngày. Việc uống rượu nhiều sẽ gây ra nhiều hệ luỵ tới sức khoẻ. Trong đó, hệ luỵ trước mắt là tình trạng say (ngộ độc). Người uống rượu sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu… Uống rượu khiến cho hệ thần kinh bị ảnh hưởng cho nên có thể xảy ra tai nạn nếu tham gia giao thông.
Uống rượu nhiều còn có thể gây ra viêm tuỵ cấp, tăng nguy cơ đột tử, đột quỵ trên người có bệnh lý nền về tim mạch.
PGS Niên cho biết, việc uống rượu kéo dài sẽ dẫn tới những nguy cơ khó lường ví như ung thư. Một trong những loại ung thư có liên quan tới rượu bị được nhắc tới nhiều như ung thư vú, ung thư miệng, ung thư họng, ung thư thực quản, ung thư gan…
Ngoài ra, việc uống rượu nhiều còn ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
3 nguyên tắc ăn uống để giải rượu, bảo vệ gan
Rượu bia khi uống vào cơ thể đa phần được chuyển hoá tại gan. Do vậy, gan sẽ là cơ quan phải gồng gánh thải độc cho cơ thể.
PGS Niêm cho biết, uống ít rượu để giảm đi các tác hại của rượu bia chính là cách để bảo vệ chức năng gan. Ngoài ra, có thể kết hợp với ăn uống để giảm bớt chất độc có trong rượu bia với nguyên tắc như sau:
– Uống nhiều nước: Khi uống rượu cơ thể sẽ bị mất nước. Do vậy, nên uống nhiều nước để bù lượng nước đã mất. Việc uống nhiều nước cũng giúp pha loãng rượu và giúp đào thải một phần rượu qua đường nước tiểu.
– Ăn nhiều trái cây, rau xanh: Trong rau xanh và các loại trái cây có chứa nhiều nguyên tố vi lượng, chất chống oxy hoá tốt cho sức khoẻ. Đặc biệt, vào ngày Tết, rau và hoa quả thường bị bỏ quên nên việc ăn các thực phẩm này sau uống rượu là rất cần thiết. Trong rau xanh và hoa quả cung cấp các vitamin tan trong nước, là các vitamin dễ bị mất trong quá trình mất nước do rượu. Các vitamin và khoáng chất trong rau xanh, hoa quả giúp phục hồi sức khoẻ và cần thiết cho các hoạt động chuyển hoá rượu của cơ thể.
– Ăn thực phẩm giàu protein: Các thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa giúp hỗ trợ quá trình chuyển hoá cồn trong cơ thể. Do vậy, khi uống rượu nhớ bổ sung các loại thực phẩm này để nhanh chóng đào thải chất độc khỏi gan.
PGS Niêm cũng lưu ý, để tránh gây ra những gánh nặng cho gan trong ngày Tết, mọi người nên hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp, đồ ngọt. Nên có một chế độ ăn cân bằng các chất dinh dưỡng, uống đủ nước và luyện tập thể dục thể thao đúng cách.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý khung giờ nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức quá khuya.
Theo Ngọc Minh (Đời Sống & Pháp Luật)