Kể từ khi cưới, về chung một nhà, hai ông bà đi đâu cũng có nhau và chưa từng ngủ riêng giường dù chỉ một lần.
Yêu từ cái nhìn đầu tiên
Năm 20 tuổi, ông Vương Văn Thành (hiện 83 tuổi) rời quê đến TP.HCM học tập. Ngày nghỉ, ông thường đến tiệm may của người bà con chơi.
Trong một lần như vậy, ông vô tình gặp bà Nguyễn Thị Kim vốn là người Tiền Giang vừa đến tiệm may học nghề. Lần đầu tiên gặp mặt cô gái miền Tây, trái tim ông Thành đã xốn xang, thổn thức.
Đêm về ông không ngủ được, lòng khắc khoải nhớ mong bóng hình cô gái nhỏ, có nụ cười dễ mến. Từ đó, ông liên tục tìm đến tiệm may để được gặp gỡ, trò chuyện với người con gái mình thương.
Tại chương trình Tình trăm năm tập 181, ông Thành kể: “Lớp tôi học có nhiều bạn nữ. Gia đình trước đó cũng mai mối nhiều cô cho tôi. Nhưng không hiểu sao tôi không yêu được ai.
Thế mà chỉ gặp bà ấy một lần trong tiệm may, tôi đã thích và quyết tâm tìm hiểu. Sau những ngày thường gặp mặt ở tiệm may, tôi đợi Chủ nhật rồi tự tìm đến nhà riêng của bà ấy để được nhìn ngắm, trò chuyện nhiều hơn”.
Cũng như ông Thành, ngay buổi đầu gặp gỡ, bà Kim (hiện 78 tuổi) đã có cảm tình với anh thanh niên có ngoại hình lịch thiệp, nói chuyện duyên dáng. Khi thấy ông Thành quyết tâm theo đuổi, chứng minh tình cảm, bà dần mở lòng.
Cả hai có những buổi hẹn hò đầu tiên, cùng nhau tham gia phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên. Một lần, trong lúc tham gia đấu tranh, ông bị địch bắt giam. Ở nhà, bà Kim nhớ nhung đến héo hon. Bà biết mình đã yêu thương ông sâu sắc.
Sau 3 tháng bị giam cầm, ông Thành được trả tự do. Ngay sau đó, ông về quê để bàn chuyện cưới người con gái mình yêu thương. Được gia đình 2 bên đồng ý, ông bà tổ chức đám cưới linh đình vào năm 1965.
Vì một số lý do riêng, ngày rước dâu, ông Thành không theo gia đình đến TP.HCM đón bà Kim về nhà. Tuy vậy, bà Kim không tủi thân. Bà gạt bỏ những lời bàn tán, chê bai của bạn bè để vui vẻ lên xe hoa, về nhà chồng.
Về làm dâu, bà Kim sống chung với mẹ, chị chồng. Dù cả hai không quá khắt khe nhưng cũng khiến bà cảm thấy áp lực. Đặc biệt, gia đình chồng chê bai bà gầy ốm, sợ không thể sinh con.
Việc gia đình chồng hiếm con cháu lại càng khiến bà thêm lo lắng, muộn phiền. Thế nhưng, ông Thành không mảy may xao động. Ông vẫn một mực yêu thương bà. Chỉ sau cưới một năm, ông bà có đứa con đầu lòng.
Sau đó, ông bà ẵm theo đứa con mới 20 ngày tuổi rời quê đến ở nhờ nhà mẹ vợ tại chợ Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn xưa. Tại đây, ông Thành chạy xe lam mưu sinh, bà Kim ở nhà nuôi con nhỏ.
Bí quyết giữ hạnh phúc
Một thời gian sau, ông bà đến quận Tân Bình mua đất, cất nhà. Khi đã có với nhau 3-4 người con, ông bà tiếp tục dắt díu nhau lên tỉnh Tây Ninh nương nhờ nhà người chị.
Tại đây, ông bà không tìm được việc làm khiến cuộc sống tạm bợ, bấp bênh. Ông quyết định trở lại Sài Gòn chạy xe lam, bà Kim tập tành bán tạp hóa. Khi có chút tiền, ông bà vay mượn thêm để ông Thành chuyển sang chạy xe buýt.
Bà Kim nhớ lại: “Cuộc sống khó khăn, nhà lại đông con, vợ chồng tôi đầu tắt mặt tối làm việc để có tiền trang trải cuộc sống. Lúc đó, có lẽ vì chỉ biết cúi đầu làm nên không biết mình khổ. Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi thấy ngày ấy mình cực quá.
Hàng ngày, ông ấy đi chạy xe, tôi ở nhà vừa lo buôn bán vừa chăm con nên vất vả vô cùng. Biết tôi cực, mỗi khi đi làm về, thấy có thể giúp vợ được gì, ông ấy đều cố gắng làm”.
Khi đất nước thống nhất, ông bà trở lại quê nhà. Tại đây, ông Thành và vợ trải qua quãng thời gian ngắn chưa có điện, làm ruộng thất mùa, không có gạo ăn.
Khi địa phương có điện thắp sáng, sản xuất, ông bà đầu tư máy xay bột, làm nhà máy xay lúa, lò gạch, kinh doanh bột ngọt, vải… Công việc làm ăn thuận lợi, cuộc sống ông bà dần ổn định, khá giả. Không chỉ đủ kinh tế trang trải cuộc sống, ông bà còn đầu tư, lo cho 9 người con ăn học thành tài.
Suốt 58 năm sống chung với nhau, ông Thành và vợ chỉ biết nỗ lực làm ăn, không hề nghĩ đến chuyện ghen tuông khiến vợ chồng xích mích. Với ông, bà Kim là người phụ nữ, người vợ tuyệt vời, hiếm gặp.
Ông tâm sự: “Vợ tôi ở chung nhà với mẹ, chị chồng. Thế nên bà ấy vừa phải làm mẹ vừa làm dâu. Không chỉ chăm sóc đàn con 9 đứa, bà ấy còn chăm mẹ chồng, chị chồng.
Biết bà ấy cực khổ như thế, tôi không dám có suy nghĩ gì không đúng, chỉ biết cố gắng lao động để lo cho vợ con. Tôi luôn biết ơn vợ vì đã chăm sóc tôi và gia đình thật chu đáo”.
Cuối chương trình, ông Thành bật mí bí quyết bảo vệ hạnh phúc hôn nhân suốt 58 năm qua là biết cách nhường nhịn nhau. Đặc biệt, từ khi cưới đến bây giờ, ông bà chưa bao giờ rời xa nhau. Ban ngày, cả hai đi đâu cũng có nhau, tối luôn ngủ chung một giường.
Theo Hà Nguyễn (VietNamNet)