Mỗi ngày tôi đều nói những lời khó nghe, chỉ trích vợ không biết chi tiêu, quản lý tiền bạc. Thế nhưng khi đọc được dòng tin nhắn thưởng Tết của vợ, tôi lại sững người hối hận.
5 năm qua, vợ chồng tôi vốn tưởng có một cuộc hôn nhân yên bình, hạnh phúc. Nhưng những sóng gió ngầm dường như đã khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt, có sự nghi ngờ, đố kị lẫn nhau. Vợ vốn làm công nhân của công ty giày da, còn tôi là nhân viên văn phòng chính hiệu. Ai cũng nói vợ tôi may mắn vì lấy được người chồng “có học, có công việc ổn định”.
Bản thân tôi cũng từng nghĩ như vậy vì ngoài ngoại hình, vợ không có gì hơn tôi. Gia cảnh cô ấy cũng không khá giả. Còn tôi ngoài học thức còn có một công việc văn phòng nhiều người ao ước. Chuyện tiền bạc, hai vợ chồng rất rạch ròi. Vợ chi tiền sinh hoạt trong nhà từ điện nước đến ăn uống, còn tôi lo tiền học hành cho các con.
Nhà có việc gì lớn, hai người sẽ bàn bạc để trích ra một khoản trang trải. Vậy nên dù công việc của nửa kia có khó khăn gì, chúng tôi cũng không biết. Chỉ cần đến tháng cả hai lo đủ các khoản đã quy định là được.
Năm nay kinh tế khó khăn, bố mẹ tôi cũng bệnh. Tôi yêu cầu vợ phải chi một khoản tiền thưởng Tết để lo cho bố mẹ chồng cũng là giúp ông bà chữa bệnh tật. Mỗi người sẽ góp 10 triệu để biếu bố mẹ tôi. Còn nhà ngoại thì sẽ phải giảm đi một nửa vì chúng tôi chủ yếu ăn Tết nhà nội.
Ban đầu vợ tôi ậm ờ đồng ý nhưng nét mặt tỏ rõ sự không hài lòng và lo lắng. Đến gần Tết, chưa thấy vợ đưa tiền thưởng, tôi bắt đầu nói những lời khó nghe. Vì tôi cho rằng vợ không hài lòng với đề nghị của mình. Tôi còn đọc được dòng chát của vợ với bạn thân: “Chồng tao bắt mỗi người góp 10 triệu biếu nhà nội ăn Tết còn nhà ngoại thì một nửa. Tao nói thật, tiền đâu ra. Tao đang khổ sở đây, Tết chưa dám sắm gì”.
Vì vậy “máu điên” trong người tôi bắt đầu nổi lên, tôi gọi vợ vào mắng té tát. Tôi trách vợ không có trách nhiệm làm dâu. Bao năm ra ngoài ở riêng, ngày giỗ chạp không phải biếu xén mà Tết không lo nổi biếu bố mẹ 20 triệu.
Thấy chồng gay gắt, vợ đành gật đầu đồng ý và nói sẽ lo liệu trước Tết.
Câu nói của vợ khiến tôi bắt đầu tò mò về tiền thưởng Tết của cô ấy. Buổi tối hôm đó, đợi vợ đi ngủ, tôi thử mở điện thoại và đọc tin nhắn tiền lương, thưởng Tết của vợ – việc mà trước giờ tôi chưa từng làm.
Vừa mở ra, tôi đã sững người. Thì ra, lương của vợ tôi vô cùng thấp chứ không như lời cô ấy nói. Nếu tính ra, số tiền đó chỉ đủ chi tiêu gia đình, không dư đồng nào. Năm nay, kinh tế khó khăn, công ty của vợ cũng nợ lương nhân viên và tiền thưởng Tết thì không nổi một tháng lương. Nhưng vợ không nói gì với tôi, cũng không một lời kêu ca trong khi tôi lại hết lời oán trách vợ.
Nếu số tiền lương, thưởng Tết như vậy thì vợ tôi không thể cáng đáng được tiền sắm Tết và 10 triệu biếu bố mẹ chồng, chưa kể tiền đi lại, về nhà ngoại. Ngoài ra, tôi còn đọc được tin nhắn vay tiền của vợ.
Thì ra, vì bị chồng chỉ trích quá nhiều, vợ tôi đã vội đi vay bạn chục triệu bù vào, hẹn ra năm trả. Đọc tin nhắn kêu ca khó khăn, khổ sở vì chồng không hiểu của vợ, tôi hối hận vô cùng. Tôi còn biết vợ bị bệnh mà không dám đi khám vì không có tiền, phải dành lo Tết. Tự nhiên nước mắt tôi cứ thế trào ra, không sao ngăn lại được.
Trước giờ tôi chưa từng hiểu vợ, chưa từng thông cảm cho cô ấy. Sự vô tâm của tôi đã khiến vợ bị tổn thương. Tôi luôn cho mình là người giỏi giang, hơn vợ mọi mặt nhưng lại phân chia rạch ròi kinh tế, không lo được cho vợ cuộc sống sung túc, đủ đầy như người ta. Tôi còn yêu cầu vợ đủ điều để thực hiện thuyết “bình đẳng, công bằng vợ chồng” của mình. Tôi nhận ra, mình mới là kẻ ích kỉ, tham lam trong cuộc hôn nhân này.
Theo Nguyên An (Hà Nội) (VietNamNet)