Nếu bạn đang có ý định mua những mảnh giấy để test ung thư đại trực tràng hay bất cứ bệnh nào ở đường tiêu hóa, hãy suy nghĩ lại!
Mạng xã hội Tiktok đang xôn xao với bài test ung thư đại trực tràng ngay tại nhà chỉ trong vòng 2 phút sau khi đi đại tiện của một Tiktoker. “Đừng xả vội bồn nước, chúng ta để giấy này vào trong bồn cầu khoảng độ 2 phút. Nếu không có màu thì là âm tính. Còn nếu có màu xanh như này thì gọi là dương tính”, Tiktoker này chia sẻ.
Để so sánh, chủ tài khoản này để miếng giấy test ung thư đại trực tràng sang chiếc bồn cầu khác, cho thấy hình ảnh mảnh giấy không chuyển màu, chứng tỏ không có dấu hiệu ung thư đại trực tràng.
“Trong sàng lọc ung thư đại trực tràng, đây gọi là cái (giấy) test, cái này nhập từ Mỹ về đấy… Mục đích của nó là tìm máu tiềm ẩn trong phân. Nếu dương tính có màu xanh thì có nghĩa trong phân có máu, có thể cảnh báo loét đại trực tràng, polyp hoặc ung thư đại trực tràng. Tất cả những trường hợp đó nên tìm gặp bác sĩ để tìm hiểu kỹ hơn. Cái test này có giá trị sàng lọc, có thể làm tại nhà đơn giản, dễ dàng mà không can thiệp gì hết…”, Tiktoker này nói thêm.
Chưa biết giá cụ thể của sản phẩm được quảng cáo từ Mỹ này bao nhiêu, tuy nhiên những lời quảng cáo hẳn sẽ khiến không ít người tò mò, kích thích và tìm mua.
VnExpress dẫn lời chị Minh, 38 tuổi, ở Hà Đông, thường xuyên than phiền vì chồng nghiện rượu bia, thích tụ tập ăn uống ở ngoài. Thỉnh thoảng, anh hay đau bụng dưới, đi ngoài nhiều lần trong ngày, chán ăn, mệt mỏi. Thấy biểu hiện giống bệnh ung thư tiêu hóa, chị động viên chồng đi khám nhưng người đàn ông sợ bị chẩn đoán bệnh nan y nên chần chừ.
Lướt mạng, người vợ tìm thấy phương pháp test “tìm máu trong phân” chỉ với một tờ giấy, chi phí gần 100.000 nghìn đồng. Người bán cho biết sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, 5 tờ một gói, giúp chẩn đoán ung thư đại tràng sau hai phút. Tờ đầu tiên để thử nước, “nếu nước đổi màu thì cần xả bồn cầu nhiều lần rồi mới test để có kết quả chuẩn nhất”. Tờ thứ hai để xét nghiệm máu trong phân, bằng cách để vào trong nước tiểu, nếu chuyển sang màu vàng hoặc xanh lam thì chứng tỏ bị bệnh, cần đi nội soi. Ba tờ còn lại để thử lại vào những ngày kế tiếp, giúp khách hàng yên tâm hơn.
Một người khác tư vấn đây như bước sàng lọc, bởi khối u trong đại trực tràng cản trở việc hình thành và bài xuất phân, “khi phân đi qua khối u, khiến khối u loét, chảy máu và cần đi khám”.
“Khi nghe tư vấn, tôi bị thuyết phục hoàn toàn”, chị Minh kể, thêm rằng đã mua 5 hộp với giá 2,5 triệu đồng để gia đình cùng kiểm tra. Xét nghiệm của chồng chị cho kết quả âm tính nhưng các dấu hiệu bệnh ngày càng trầm trọng, đặc biệt tình trạng chán ăn, mệt mỏi kèm tâm lý lo lắng. Cuối cùng, anh đến Bệnh viện Đại học Y nội soi, bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày, đại tràng, có nhiều polyp tăng sinh phải cắt bỏ.
“Nếu để lâu, các polyp có thể tiến triển thành ung thư hoặc gây chảy máu trực tràng, biến chứng nguy hiểm sức khỏe”, bác sĩ tư vấn.
Trao đổi với nguồn tin trên, bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết không thể khẳng định mắc ung thư chỉ với giấy test, chưa kể nguồn gốc xuất xứ sản phẩm không rõ ràng, sai số lớn. Việc nhiều người truyền tai nhau thổi phồng công dụng sản phẩm dẫn đến hoang mang quá mức hoặc yên tâm giả tạo.
“Trường hợp kết quả dương tính cũng chưa thể khẳng định mắc bệnh, còn âm tính cũng không thể loại trừ nguy cơ”, bác sĩ nói.
Theo ông Tỵ, giấy test này thực chất tìm máu ẩn trong phân, rất nhiều sai số vì nhiều bệnh lý gây chảy máu. Chẳng hạn viêm loét đại tràng, trĩ, vết trầy da hậu môn, viêm đại tràng, táo bón lâu ngày, polyp, u đại tràng, nứt kẽ hậu môn…
Các sản phẩm trên cũng chưa được bất cứ cơ quan quản lý y tế nào công nhận, “nhiều khi chỉ là giấy quỳ tím”, dẫn đến lãng phí tiền của.
Đồng quan điểm, Phụ Nữ Số dẫn lời BS Nguyễn Văn Thái (chuyên khoa ung thư và phẫu thuật thẩm mỹ, làm việc tại Hà Nội) khẳng định: “Dùng mảnh giấy thả vào bồn cầu khi đi đại tiện như trên không thể giúp phát hiện ung thư đại trực tràng, kể cả polyp hay viêm loét đại trực tràng”.
Theo chuyên gia, thức ăn hàng ngày của mỗi người không giống nhau nên chất thải (phân) sẽ có màu sắc khác nhau.
“Để xác định các vấn đề ở đại trực tràng, nhất là ung thư đại trực tràng, chỉ có một cách duy nhất là người dân đi nội soi, làm sinh thiết”, BS Thái khẳng định rõ ràng. Dùng những tờ giấy được mua với giá cao qua mạng, thả vào một đống chất thải, ngồi chờ xem giấy chuyển màu hay không, rồi phát sinh những nghi ngờ, lo sợ không đáng có… là điều không nên.
“Nếu bệnh nhân đi vệ sinh ra được tế bào ung thư thì chứng tỏ ung thư đã phát triển rất mạnh. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên dùng giấy kia thả xuống để đọc ra bệnh. Bởi lúc này, người có chuyên môn phải soi kính hiển vi mới có thể thấy”, BS Thái cho biết thêm.
Thay vì xem và mua theo gợi ý trên mạng xã hội, chuyên gia khuyên bất cứ ai nếu có dấu hiệu nghi ngờ mình bị bệnh đại trực tràng cũng như ung thư đại trực tràng nên đi thăm khám tại các bệnh viện, phòng khám uy tín có chuyên khoa Tiêu hóa, nội soi, làm sinh thiết nếu có chỉ định… Tránh tin mua qua mạng rồi sử dụng để rước phiền vào người, lại tốn tiền không cần thiết.
Ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư đường tiêu hóa hay gặp trên thế giới và Việt Nam, tăng nhanh qua từng năm. Ghi nhận từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), hàng năm Việt Nam phát hiện hơn 14.000 ca mắc mới và hơn 7.500 ca tử vong do ung thư đại trực tràng, đứng thứ 5 trong các ung thư phổ biến, sau gan, phổi, dạ dày và vú. Dự báo đến năm 2025, ung thư đại trực tràng thường gặp thứ hai ở nam giới và thứ 4 ở nữ giới.
Triệu chứng cảnh báo ung thư đại trực tràng như đi ngoài ra máu, rối loạn thói quen đại tiện, viêm kích thích trực tràng, tắc ruột,… Ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện giai đoạn sớm có thể cắt qua nội soi hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ở giai đoạn sớm, tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm lên tới 85-90%.
Ung thư đại trực tràng thường xuất hiện ở người tuổi trên 50. Tuy nhiên, vài năm gần đây, bệnh nhân ngày càng trẻ, có người tuổi 20-30. Bệnh liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt.
Bác sĩ khuyến cáo đối với người bình thường, thời điểm nội soi tầm soát ung thư đại tràng bắt đầu từ 45-50 tuổi. Người có tiền sử gia đình bị đa polyp có yếu tố di truyền cần nội soi sàng lọc sớm từ 12-20 tuổi. Trường hợp không phát hiện polyp đại tràng có thể nội soi định kỳ 3-5 năm. Bệnh nhân phát hiện polyp cần nội soi cắt và kiểm tra định kỳ từ 6 đến 12 tháng.
Những người có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng), hoặc có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiểu và đại tiện ra máu, ói ra máu… nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
PN (SHTT)