Khoảng 85 – 90% cồn trong rượu bia sẽ được đào thải qua gan. Vậy tại sao nhiều trường hợp uống vào buổi tối hôm trước mà đến trưa hoặc chiều hôm sau kiểm tra vẫn còn nồng độ cồn trong khí thở?
Bia, rượu vang, rượu mạnh là những đồ uống chứa cồn ethanol ở các nồng độ khác nhau. Bia có khoảng 5% cồn, rượu vang khoảng 9-16% cồn và rượu mạnh có thể lên 40-45% cồn.
Một đơn vị cồn tương đương với 10 g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200 ml bia; 75 ml rượu vang (1 ly); 25 ml rượu mạnh (1 chén).
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Ôxy cao áp Việt – Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga (Bộ Quốc phòng), cho biết về cơ chế đào thải cồn của cơ thể, khoảng 10 – 15% sẽ đào thải qua đường hô hấp, da, mồ hôi. Khoảng 85 – 90% sẽ được xử lý qua gan.
Hai cốc bia sẽ tương đương với khoảng 3 đơn vị cồn và cơ thể sẽ mất khoảng 3 tiếng để thải trừ cồn. Tuy nhiên, sau khi thải trừ, cơ thể cần 2-3 tiếng để cồn trong máu về 0. Do đó, nếu uống 2 lon bia mất khoảng 6 tiếng để nồng độ cồn về 0%.
“Đây là những con số mang tính trung bình, ước tính. Mỗi cá nhân sẽ có thời gian khác nhau và có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ thải trừ cồn của cơ thể. Ví dụ, có người ăn rất nhiều rồi mới uống bia. Khi đó bia được hấp thu 20% ở dạ dày và 80% ở ruột non. Khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo”- bác sĩ Hoàng giải thích.
Các chuyên gia cũng lưu ý, những người có chức năng gan suy yếu hay cơ thể chuyển hóa chậm hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào lượng bia rượu uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân.
Nếu lái xe cần tránh uống bia trong khoảng 5-6 tiếng trước khi lái xe, dù chỉ là một cốc.
Từ thực tế ghi nhận nhiều trường hợp uống rượu, bia vào buổi tối ngày hôm trước nhưng đến trưa hoặc chiều hôm sau kiểm tra vẫn còn nồng độ cồn trong khí thở, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng “người đó đáng bị xử phạt vì chứng tỏ đã uống quá nhiều. Do nồng độ cồn quá cao nên sau nhiều giờ đồng hồ vẫn không thể đào thải ra khỏi cơ thể”.
Bác sĩ Nguyên cho biết ông không phản đối việc uống rượu bia, nhưng khi uống rượu bia thì phải có trách nhiệm với bản thân và mọi người.
“Tôi đồng tình với quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Kể cả khi chỉ uống ít rượu với nồng độ thấp cũng sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, tâm thần của người điều khiển phương tiện giao thông. Nhẹ là sẽ gây hưng phấn, nặng hơn là gây mất kiểm soát hành vi”- bác sĩ Nguyên nói.
Theo N.Dung (Nld.com.vn)