Nghĩ đến chuyện vợ không về đón giao thừa cùng bố mẹ đẻ nhiều năm nay, tôi canh cánh trong lòng. Cuối cùng tôi cũng mạnh dạn đưa ra một lời đề nghị.
8 năm làm dâu là 8 năm vợ xăm xắn, chu đáo ở nhà chồng. Tôi chưa từng có lời nào trách móc chê bai vợ vì cô ấy quả là một người vợ mà tôi thực sự đã tìm đúng.
Bố mẹ tôi cũng hài lòng về con dâu trưởng, cũng là nàng dâu duy nhất trong nhà. Hễ nhà chồng có việc gì là vợ tôi nhanh nhảu, lo mọi thứ từ A đến Z. Đến mẹ tôi là người khó tính trong mọi việc mà giờ, mỗi khi nhà có cỗ bàn hay việc lớn, mẹ đều ngồi chơi xơi nước, giao mọi việc cho con dâu.
Đó không phải vì mẹ ỷ lại hay dồn việc mà bởi mẹ yên tâm về sự chỉn chu của con dâu. Tôi mừng vì gia đình hòa thuận, cuộc sống vui vẻ. Nhưng nhìn vợ lúc nào cũng tất bật, tôi lại thấy thương.
Bản thân tôi là người không kiếm được nhiều tiền, công việc cũng chỉ nhàng nhàng đủ sống. Vợ cũng phải nai lưng chật vật kiếm thêm đồng ra đồng vào. Nhưng 8 năm lấy nhau, vợ chồng cũng cố gắng chắt bóp vay mượn, mua được một căn hộ chung cư trả góp.
Ngày dọn ra ngoài ở riêng, vợ chồng tôi mừng lắm. Hai đứa con cũng vui ra mặt vì có “cơ ngơi” của riêng mình. Bố mẹ có chút buồn nhưng tuần nào con cháu cũng về sum vầy nên ông bà cũng vui.
Năm nay gần Tết, nghe đồng nghiệp nói chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại, tự nhiên tôi thấy có chút suy nghĩ. Bao năm nay, trong đầu tôi luôn mặc định người phụ nữ lấy chồng thì phải theo chồng. Tôi chẳng tâm lý được như ông đồng nghiệp ở cơ quan, mỗi năm cho vợ ăn Tết một nhà. Tôi cũng chẳng đủ bao dung để vợ về quê sớm từ mùng 1 Tết.
Nhà tôi nhiều việc nên năm nào, sớm cũng phải mùng 2 hoặc mùng 3 mới về nhà ngoại. Tôi cũng chưa từng hỏi vợ muốn ăn Tết ở đâu, thích về khi nào. Tôi mặc định vợ phải lo hết việc trong nhà mình thì mới đến lượt về quê ngoại.
Đó là tôi ích kỉ, luôn nghĩ cho mình. Nghe bạn bè bàn tán và nói chuyện, tôi lại cảm thấy bấy lâu nay mình quá vô tâm.
Năm nay, tôi cũng muốn học làm một người chồng tâm lý, chủ động đề nghị vợ về ăn Tết với bố mẹ đẻ, đón giao thừa ở đó. Muộn thì mùng 2 chúng tôi sẽ quay trở lại nhà nội.
Thấy chồng nói vậy, vợ tôi tỏ vẻ sững sờ: “Trời, có chuyện gì vậy, mặt trời mọc ở đằng Tây hả anh? Anh thực sự cho em về quê ăn Tết với bố mẹ đẻ à? Vậy thì nhà anh, anh định tính thế nào?”.
Tôi cười: “Thì anh đưa em và các con về ăn Tết với bố mẹ một năm không được à? Mùng 2 cả nhà lên thì lại là Tết. Cũng nhiều năm rồi em chưa được đón giao thừa ở nhà ngoại. Phần bố mẹ anh, cứ để anh lo”.
Nghĩ một lúc rồi vợ xua tay bảo: “Thôi, 8 năm nay em ăn Tết nhà nội cũng quen rồi, không cần đâu anh. Bố mẹ em ở quê có các chị em gái lấy chồng gần, nhà cũng có anh trai nữa. Giao thừa nào bố mẹ cũng đông đúc cháu chắt đến chúc tụng. Tất nhiên có em về thì đầy đủ hơn. Nhưng nhà em đầy đủ thì nhà anh lại thiếu người, cô đơn. Bố mẹ cũng chỉ có mình anh với hai đứa cháu nội. Tết mà không có ai, hai ông bà lại đi ngủ từ 8h tối thì buồn lắm.
Thực ra em cũng muốn về ngoại nhưng để vẹn đôi đường, tất cả cùng vui, em nghĩ mình cứ như mọi năm anh ạ. Tết ở Hà Nội cũng vui. Mùng 2 mình về ngoại, bố mẹ lại có thêm cái Tết nữa”.
Nghe vợ nói vậy, tôi có chút xúc động. Nhưng tôi vẫn cố động viên vợ là không sao. Bố mẹ rồi cũng sẽ quen nếu vợ chồng tôi thực sự thích mỗi năm ăn Tết một nhà. Nhưng vợ vẫn nhất định bảo vệ ý kiến, ăn Tết ở nhà chồng.
Thật ra tôi hiểu vợ là người chu đáo, lúc nào cũng nghĩ cho người khác nên không muốn làm ai khó xử hay buồn. 8 năm rồi, có lẽ vợ cũng đã quen với việc làm dâu và cái Tết ở nhà chồng. Tôi tin ngoài trách nhiệm còn là tình cảm chân thành vợ dành cho bố mẹ chồng. Tôi cũng tin nếu cô ấy thực sự muốn về đón giao thừa nhà ngoại, mẹ tôi cũng chẳng phản đối. Bởi nhiều năm qua, vợ đã vất vả, hết lòng vì gia đình chồng…
Theo Thành Trung (Hà Nội) (VietNamNet)