Nhiều người không còn háo hức mong chờ về quê đón Tết bởi họ thấu phiền phức, rắc rối.
Bài viết là lời tâm sự của ông Tân, 64 tuổi, sinh sống tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Chỉ sau ít giờ đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc), bài viết đã nhận được nhiều người quan tâm.
Tôi 64 tuổi, con cái tôi đã lớn khôn, tự lập được trong cuộc sống. Vì thế vài năm trước, tôi về quê ăn Tết với mong muốn gần gũi cha mẹ già cùng anh em họ hàng. Tôi cũng thích không khí trong lành, dễ chịu ở quê hương.
Nhưng thực tế khác xa suy nghĩ, năm nay tôi quyết định ở lại thành phố đón Tết cùng vợ con. Tôi nhận ra quê hương chỉ nên về chơi 1 – 2 lần/năm, đặc biệt không nên về ăn Tết cả tuần bởi 3 lý do sau.
1. Chi phí về quê ăn Tết ngày càng cao
– Tốn nhiều tiền lì xì
Tôi nhận ra vài năm gần đây, tôi tốn thêm nhiều tiền mừng tuổi cho các cháu nhỏ. Các gia đình ở quê rất đông con, thường mỗi nhà 4 – 5 người con, rồi con cái họ lập gia đình, sinh ra các cháu. Cứ như vậy, số lượng thành viên tăng lên chóng mặt, đôi khi tôi không nhớ được hết tên thế hệ sau.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây tôi chỉ mừng các cháu khoảng 20 NDT (khoảng 68.000 VNĐ) thì giờ phải tăng lên 50 NDT (khoảng 172.000 VNĐ) vì vật giá leo thang. Đó là chưa kể với những người lớn tuổi, tôi phải lì xì họ 100 NDT, 200 NDT. Bạn thử tính xem như vậy tôi đã mất món tiền lớn.
– Chi phí mua quà biếu Tết
Chi phí tặng quà, chiêu đãi mọi người bữa ăn ngày Tết rất cao. Như năm ngoái về quê, với tâm lý cả năm mới về thăm bố mẹ, anh chị em ruột nên tôi sắm rất nhiều đồ, từ gạo, dầu, bánh kẹo, hoa quả, đến gà, vịt, đồ đông lạnh, hải sản, đồ trang trí. Chưa kể, tôi còn phải chuẩn bị các phần quà để biếu tặng họ hàng xa, hàng xóm xung quanh.
Chỉ tính riêng chi phí mua quà biếu, thực phẩm năm ngoái lên tới 10.000 NDT (khoảng 34,4 triệu đồng). Ngoài ra, tôi còn tốn tiền xăng xe, cầu đường,…
– Mất tiền khi đánh mạc chược
Trong dịp năm mới, theo truyền thống mọi người sẽ cùng nhau chơi mạt chược. Tuy nhiên càng chơi càng có tính hơn thua, tôi đã mất một số tiền lớn vào trò đỏ đen. Tôi thấy rất lãng phí, cả năm tích cóp tiền, cuối cùng tiền “đội nón ra đi” chỉ sau vài tiếng.
2. Bị mọi người ở quê soi xét, đánh giá
Gia đình tôi không quá khá giả nhưng cũng không đến nỗi nghèo khó. Nhờ chăm chỉ làm việc trong mấy chục năm qua nên khi về hưu, vợ chồng tôi có 1 căn nhà, 1 mảnh đất cùng ô tô riêng. Con cái chúng tôi cũng học hành đến nơi đến chốn, ngoan ngoãn, hiếu nghĩa.
Tuy nhiên khi về quê, dường như sự thành đạt của tôi khiến mọi người khó chịu. Không ít người bàn tán sau lưng hoặc hỏi dò tôi về công việc, thu nhập, đời sống hôn nhân, các mối quan hệ,… Nhiều họ hàng ở xa nhân dịp này còn nhờ tôi xin việc cho con cháu họ ở thành phố. Họ đẩy tôi vào tình thế khó xử, khiến tôi vô cùng bối rối.
Trước những yêu cầu vượt quá khả năng hay không phù hợp, tôi lập tức từ chối liền bị họ đánh giá là bạc tình, bạc nghĩa, sống ích kỷ. Có nhiều người thì tìm đến ngỏ lời hợp tác trong làm ăn khiến tôi “dở khóc, dở cười”.
3. Hương vị Tết ở nông thôn ít đi
Ngày xưa về quê ăn Tết, tôi vẫn nhớ cùng mọi ngời mua rất nhiều pháo hoa về đốt, còn có thể đốt lửa ngoài đồng, nướng gà, nướng khoai rất vui vẻ, hạnh phúc. Mỗi ngày đầu năm mới đều có các tiết mục biểu diễn như múa lân và rước thần tài. Không khí vô cùng rộn ràng.
Nhưng bây giờ, pháo hoa không thể đốt, cũng chẳng ai đốt lửa hay tổ chức các hoạt động như múa lân, rước thần tài. Tết năm ngoái về, tôi chỉ thấy mọi người ngồi xem điện thoại di động, đánh mạt chược, uống rượu và qua nhà người thân chào hỏi. Thời gian còn lại, họ chỉ ăn uống rồi ngủ. Cái Tết trôi đi trong sự tẻ nhạt, vô vị.
Chứng kiến nhiều chuyện chẳng vui nên năm nay, tôi quyết định ở thành phố đón Tết cùng vợ con. Tôi sẽ chẳng phải gặp mặt chào hỏi hỏi hàng, cũng chẳng phải nghe những lời đàm tiếu, nhờ vả.
Hơn nữa ở thành phố, nếu không muốn nấu ăn, tôi sẽ đưa vợ con ra ngoài đi nhà hàng thưởng thức, uống cà phê, ngắm pháo hoa chào đón năm mới hay tới những tâm thương mại lớn. Tôi nghĩ lựa chọn này giúp tôi cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, thoải mái hơn.
Theo Ứng Hà Chi (Nguoiduatin.vn)