Vì muốn giữ thể diện nên chồng tôi đòi bỏ bao lì xì ngang bằng chị họ, mỗi bao hơn 2 triệu đồng.
Bao lì xì không chỉ là biểu tượng của sự may mắn và tài lộc, mà còn chứa đựng những ý nghĩa đặc biệt. Đó chính là cầu nối văn hóa, mắt xích kết nối thế hệ và gieo niềm tin cho một năm mới an lành và phồn thịnh với mỗi người.
Có thể nói, phong bao lì xì đỏ thắm dịp đầu năm luôn là thứ không thể thiếu với mọi nhà. Tuy nhiên, không phải bao lì xì nào cũng mang tới những niềm vui. Có không ít gia đình vì chuyện lì xì đầu năm này mà xảy ra những tranh cãi không đáng có.
Minh chứng cho việc này phải kể tới bài tâm sự mới được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc đang thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.
Đầu xuân năm mới, vợ chồng đánh nhau vì tiền mừng tuổi
Lấy chồng 5 năm, năm nào đến Tết vợ chồng tôi cũng lục đục vì chuyện mừng tuổi các cháu trong nhà. Tuy nhiên mọi năm cũng chỉ nói qua lại, duy có năm nay hai vợ chồng suýt đánh nhau vì quá bất đồng quan điểm.
Nguyên nhân là vì chồng tôi luôn muốn giữ thể diện nên ai mừng con bao nhiêu, chồng tôi sẽ mừng lại bao lì xì từng đó hoặc hơn chứ không có kém.
Mọi năm họ hàng mừng bao lì xì nhỏ chỉ khoảng 100 tệ (khoảng hơn 300.000 đồng) thì chồng tôi cũng bỏ lại như vậy. Tuy nhiên năm nay, chị họ tôi mừng con gái tôi một bao lì xì 600 tệ (khoảng 2 triệu đồng).
Vì nhà chị có 2 đứa con, chồng tôi muốn giữ thể diện nên một mực đòi lì xì lại 2 bao lì xì. Mỗi bao đều bỏ 600 tệ. Tính ra 2 bao lì xì là 1200 tệ (khoảng 4 triệu đồng).
Ngay khi nghe ý kiến của chồng tôi đã gạt đi. Năm qua tôi mới sinh con đầu lòng, con nhỏ ốm đau đi viện liên tục nên tôi phải ở nhà chăm con không đi làm được. Lại phải lo tiền thuốc men nên tình hình tài chính gia đình khó khăn chứ không được như mọi năm. Cả gia đình đều sống nhờ thu nhập chính của chồng, trung bình 6000 tệ/tháng (khoảng 20 triệu đồng).
Khoản lì xì 1200 tệ kia so ra mức sống ở thị trấn cũng đủ để gia đình tôi đi chợ mua đồ cả một tuần. Chính vì vậy năm nay tôi kiên quyết không cho chồng bỏ bao lì xì.
Điều này khiến chồng tôi vô cùng bức xúc. Hai vợ chồng lời qua tiếng lại, chồng tôi thậm chí còn lớn tiếng mắng chửi tôi và tuyên bố rằng: “Tiền tôi kiếm, muốn chi tiêu như nào tự tôi quyết cô không được can thiệp”.
Nghe chồng nói như vậy, tôi nhất thời nổi trận lôi đình đã tát anh một phát. Tuy chồng tôi không đánh lại, nhưng anh vô cùng tức giận và bỏ về nhà mẹ đẻ không chịu về nhà.
Mẹ chồng EQ cao, đưa cách xử lý khéo léo cho bài toán “mừng tuổi bao nhiêu thì vừa”
Ngay đầu năm mới gia đình tôi đã lục đục đánh nhau chỉ vì quan điểm mừng tuổi khác nhau. May mắn tôi có người mẹ chồng tâm lý. Sau khi biết chuyện gia đình nhà tôi, mẹ chồng đã đứng ra giảng hòa và đưa cách xử lý tình huống vô cùng khéo léo.
Mẹ chồng phân tích cho chồng tôi rằng tiền lì xì mang ý nghĩa vui vẻ và nên lì xì theo tình hình tài chính của gia đình. Trong trường hợp chị họ mừng tuổi con gái bao lì xì 600 tệ. Vợ chồng tôi có thể mừng lại 600 tệ, nhưng chia thành 2 bao lì xì, mỗi bao 300 tệ. Hoặc nếu có tài chính khá hơn thì mừng mỗi bao lì xì 350 tệ hoặc 500 tệ. Vị chi 2 bao lì xì là 700 – 1000 tệ, hơn số tiền mà chị họ bỏ ra mừng con tôi. Lì xì như vậy cũng là khoản tiền hợp lý.
Mẹ tôi nhắc nhở rằng, tiền mừng tuổi đem lại niềm vui cho người tặng và người nhận, không nên quá tính toán chi li hoặc hơn thua khoản tiền này. Nghe mẹ xử lý tôi vô cùng cảm phục vì rất hợp tình hợp lý.
Về phần chồng tôi, nghe mẹ nói vậy tuy còn đôi chút khó chịu nhưng anh cũng bỏ mỗi bao lì xì 350 tệ như lời mẹ nói.
Theo Tiểu Lam (Đời Sống và Pháp Luật)