Hành động của đứa trẻ phản ánh cách dạy dỗ của cha mẹ.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, vấn đề lì xì lại được mang ra bàn tán. Cụ thể, trong những năm gần đây, chính là việc lì xì nhiều ít đã được chính trẻ em – những đối tượng chính của tục lệ này phản ánh rõ rệt những vấn đề. Có lẽ, không ai còn xa lạ chuyện những đứa trẻ bắt đầu có hành động so đo tiền lì xì ngay trước mặt người lớn, hay như trong câu chuyện này là xé luôn phong bao lì xì và so sánh tiền của các thành viên trong gia đình lì xì cho mình.
Theo đó, chị L. đã có một phen xấu hổ không biết trốn đi đâu sau khi con gái út của chị (chị này có 2 con gái, 12 tuổi và 5 tuổi) nhận lì xì và xé luôn phong bao để lấy tiền ra và lại còn so sánh ông bà lì xì ít hơn cô chú. Đáng nói, bé gái làm hành động trên ngay trước mắt mọi người và vẫn vô tư cười nói vui vẻ. Chỉ có mẹ của bé thì không biết phải làm sao trước hoàn cảnh khó xử, khi rõ ràng những câu nói đùa và cách dạy con của chị này có vấn đề và chính cô con gái út đã làm cho chị “sáng mắt”.
Có lẽ, nhiều bậc cha mẹ đã vô tình hoặc hữu ý, để con cái có tư tưởng so sánh, coi trọng tiền lì xì như một dạng thu nhập của bản thân và do đó khi nhận tiền ít thì ngay lập tức có thái độ không tôn trọng. Đáng nói, những việc này luôn được lặp đi lặp lại trong khi gần như rất ít bậc phụ huynh thực sự giáo dục cho con về ý nghĩa của việc lì xì và tiền lì xì chỉ là một yếu tố lấy may đầu năm.
Duy Lộc (SHTT)